Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Vì sao tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?

Dịch bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, viêm não, tay chân miệng… bắt đầu vào mùa. Vì sao nhiều trường hợp dù đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh?

PGS - TS Nguyễn Trần Hiển. Ảnh: Thái Hà
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết: Tiêm vaccine là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, không có vaccine nào là hoàn hảo và bảo vệ 100% cho người được tiêm.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tiêm chủng đúng lịch thì hiệu lực của các loại vaccine và thời gian bảo vệ cơ thể phòng bệnh cũng khác nhau đối với từng loại vaccine và tùy từng nước.
Trẻ đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh quai bị, sởi, rubella, thủy đậu thường do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng.
Phụ nữ khi mang thai bị mắc các bệnh như thủy đậu, rubella có nguy cơ bị ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?
 
 
“Nếu dự kiến có thai thì cần phải theo dõi ít nhất 1 tháng sau khi tiêm vaccine rubella, và tốt nhất chỉ nên mang thai 3 tháng sau khi tiêm vaccine. Không có chỉ định phá thai sau khi tiêm vaccine rubella trong thời kỳ mang thai.
Tuy nhiên, cần phải đến các bác sĩ để được tư vấn. Ngoài ra cũng phải thực hiện đúng chống chỉ định khi tiêm vaccine”- PGS. TS Nguyễn Trần Hiển.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu mang thai và bị nhiễm rubella có nguy cơ sảy thai, đẻ non và đặc biệt là nguy cơ cao gây hội chứng dị tật bẩm sinh cho trẻ sinh ra, đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ như điếc, mù, bệnh tim bẩm sinh và chậm phát triển trí tuệ. Đối với nhiễm rubella, tỷ lệ này có thể lên tới 90%. Tuy nhiên, đối với nhiễm thủy đậu tỷ lệ này thấp hơn nhiều.
Dự phòng bệnh như thế nào, thưa ông?
Cách tốt nhất là dự phòng chủ động bằng tiêm vaccine. Cụ thể là tiêm vaccine dự phòng cho trẻ em gái vị thành niên hay phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Loại trừ bệnh rubella cũng như hội chứng dị tật bẩm sinh do rubella gây ra bằng cách tiêm vaccine rubella cho tất cả trẻ em, kết hợp với tăng cường giám sát bệnh và bảo đảm phụ nữ ở tuổi sinh đẻ được tiêm vaccine.
Không tiêm vaccine rubella và thủy đậu cho phụ nữ mang thai vì về mặt lý thuyết có thể có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh do vaccine sử dụng virus sống giảm độc lực. Tuy nhiên, trên thực tế không có trường hợp hội chứng dị tật bẩm sinh do rubella nào xảy ra trong 1.000 trường hợp sau tiêm vaccine rubella ở phụ nữ không biết mình đã mang thai. Cũng không cần thiết phải xét nghiệm sàng lọc tình trạng mang thai trước khi tiêm vaccine rubella.
 



Nguy cơ phân tán virus đậu mùa qua vũ khí sinh học

Nhiều người lo sợ những kẻ “chơi xấu” có lấy được những virus đậu mùa và cố tình phân tán qua vũ khí sinh học.

Nga và Mỹ nói rằng cần thêm nghiên cứu để tạo ra những loại vắc-xin an toàn hơn để chống lại căn bệnh chết người đã bị xóa sổ từ hơn 30 năm trước. Họ cũng muốn đảm bảo rằng rất cả những mẫu virus dự trữ đã được tiêu hủy hoặc chuyển tới hai kho lưu trữ của Nga và Mỹ nhằm tránh khả năng virus được sử dụng trong vũ khí sinh học.
Nhưng bản đề xuất chung của hai nước này nhằm đề ra thời hạn 5 năm nữa mới quyết định có tiêu diệt virus vấp phải sự phản đối của các nước thành viên trong cuộc họp thường niên của Tổ chức Y tế thế giới – vốn đã bàn thảo vấn đề này trong suốt 25 năm qua.
“Nhiều nước đang phát triển muốn tiêu diệt virus, nhất là Iran”, Reuters trích lời một nhà ngoại giao cho biết.
Iran lâu nay vốn bất đồng với Mỹ và một số cường quốc về chương trình hạt nhân. Tehran phủ nhận cáo buộc của các nước phương Tây rằng nước này đang có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, và chỉ khẳng định chỉ muốn sản xuất điện hạt nhân.  
Biểu hiện của bệnh đậu mùa. (Nguồn:Utmedicalcenter)

Nhiều nước cho rằng những mẫu virus đậu mùa còn lại cần bị tiêu diệt vì bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ và virus này dễ gây chết người. Họ cũng cho rằng công nghệ hiện tại đủ để tạo ra những loại vắc-xin mới mà không cần sử dụng virus sống.
Nhiều người lo sợ những kẻ “chơi xấu” có thể bằng cách nào đó có được những virus này và cố tình phân tán nó. “Chừng nào bệnh đậu mùa hoàn toàn biến mất, thế giới vẫn có khả năng bị tấn công vì hầu hết dân số thế giới đều chưa có khả năng miễn dịch với bệnh này”, Kathleen Sebelius, Bộ trưởng y tế của Mỹ, nói.
Đề xuất của Mỹ và Nga được 19 nước ủng hộ, trong đó có các đồng minh của Mỹ như Anh, Canada và Nhật, cùng nhiều nước thuộc Liên Xô cũ.
193 nước thành viên của WHO đưa ra quyết định trong các vấn đề dựa trên sự đồng thuận, nhưng luật lệ của tổ chức này cũng cho phép bỏ phiếu. Cuộc tranh cãi vẫn đang tiếp diễn.
Các thanh tra an toàn sinh học của WHO vừa kiểm tra hai nơi cất trữ virus đậu mùa ở Trung tâm phòng chống bệnh tật của Mỹ ở Atlanta và Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học ở Koltsovo của Nga năm 2009. Kết quả cho thấy cả hai kho lưu trữ này đều an toàn và đảm bảo.
WHO xác nhận bệnh đậu mùa, loại bệnh dễ truyền nhiễm, bị xóa sổ trên toàn thế giới vào năm 1979, hai năm sau khi phát hiện trường hợp cuối cùng ở Somalia. Bệnh này không còn lây lan tự nhiên dù một phụ nữ ở Anh đã thiệt mạng năm 1978 sau khi vô tình tiếp xúc với virus trong phòng thí nghiệm.
WHO vẫn dự trữ 32,6 triệu liều vắc-xin bệnh đậu mùa ở Thụy Điển đề phòng trường hợp khẩn cấp. 


Phần lớn bệnh nhân liên cầu lợn là nam giới

Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, phần lớn nam giới mắc bệnh viêm cầu lợn (hơn 98%).

Bệnh phân bố tập trung vào một số nhóm nghề nghiệp: chăn nuôi lợn; giết mổ lợn, bán lòng lợn tiết canh, buôn bán lợn hơi. Các ca mắc đều ở người lớn từ 30 tuổi trở lên, trong đó nhóm tuổi từ 40 – 59 tuổi chiếm hơn 79%.
Một bệnh nhân mắc viêm cầu lợn. Ảnh minh họa
TS Trần Như Dương - Viện Phó viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, các yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân trong vòng 7 ngày trước khi khởi phát đều liên quan đến việc chăm sóc lợn ốm, giết mổ lợn hoặc ăn các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt và phủ tạng lợn chưa nấu chín kỹ.
Theo TS Dương tập quán ăn tiết canh, nội tạng, thịt lợn tái (nem chua, nem chạo…) tiềm ẩn nguy cơ rất cao lây các bệnh từ lợn sang người, trong đó có liên cầu lợn.
Lợn nhiễm bệnh trong máu và thịt có chứa một lượng lớn vi khuẩn, thêm vào đó thực phẩm lại không được nấu chín do đó ăn thức ăn này sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.



Bệnh tay chân miệng: có thể tử vong trong 24 giờ

Type virus bệnh tay chân miệng mới sẽ gây viêm cơ tim, viêm thân não, phù phổi cấp, trẻ tử vong nhanh dù nhập viện sớm.

  
 
Các cha mẹ cần đề cao cảnh giác vì bệnh tay chân miệng ngày càng nguy hiểm hơn 
 
Trước tình hình bệnh lý tay chân miệng diễn biến phức tạp, tử vong nhanh nên BV Nhi Đồng 1 đã mở lớp tập huấn cho bệnh viện các quận huyện tại TPHCM và các bệnh viện tỉnh.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, thời gian này bệnh tăng cao và diễn biến phức tạp, đặc biệt là cha mẹ đưa bé đến nhập viện sớm nhưng do bệnh diễn biến nhanh, dễ dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh thành dịch là Coxsakie A 16 và Enterovirus 71. Trước kia, virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam thường gặp là các type C1, C4, C5, nhưng mới đây, các mẫu máu từ các ca tử vong ở BV Nhi Đồng 1 gửi sang Đài Loan xét nghiệm phát hiện ra type mới là B2, thuộc Enterovirus 71.

Với type virus mới này, bệnh diễn tiến rất nhanh, gây rối loạn chức năng cơ tim, viêm cơ tim, viêm thân não, phù phổi cấp, các biến chứng này thường gây tử vong cao và nhanh có thể trong 24 giờ.

Vì vậy, để phòng bệnh các bậc cha mẹ nên giữ vệ sinh tay chân bé sạch sẽ, đồ chơi của bé cần được tẩy rửa, cách ly bé khi bị bệnh và hạn chế bé tiếp xúc với các bé mắc bệnh đường hô hấp.



Vi khuẩn diệt muỗi lây bệnh sốt rét

Loại vi khuẩn này có thể khiến nhiều loại côn trùng bị nhiễm độc, bao gồm cả muỗi.

Wolbachia là vi khuẩn có thể khiến nhiều loại côn trùng bị nhiễm độc, bao gồm cả muỗi. Tuy nhiên, vi khuẩn này không làm cho muỗi Anopheles (loại muỗi làm lây lan bệnh sốt rét sang người), bị nhiễm độc một cách tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg đã chỉ ra việc gây nhiễm trùng bằng cách nhân tạo với những chủng vi khuẩn Wolbachia khác nhau có thể làm giảm đáng kể mức độ ký sinh trùng sốt rét ở người. Các nhà nghiên cứu cũng xác định chủng vi khuẩn Wolbachia sẽ nhanh chóng tiêu diệt muỗi sau khi chúng hút máu.
Tế bào côn trùng chứa vi khuẩn Wolbachia (Theo hình mũi tên) 
 
Theo họ, vi khuẩn Wolbachia có khả năng được sử dụng như là một phần của chiến lược kiểm soát bệnh sốt rét nếu sự nhiễm trùng ở muỗi Anopheles là ổn định. Nghiên cứu này đã được công bố vào ngày 19/5 trên tạp chí khoa học PLoS Pathogens.
"Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu chỉ ra rằng nhiễm khuẩn Wolbachia có thể làm giảm mức độ ký sinh trùng sốt rét ở con người  trong muỗi Anopheles", Phó Giáo sư - Tiến sỹ Jason Rasgon, tác giả chính của nghiên cứu này cho biết.
Với nghiên cứu này, Rasgon và đồng nghiệp của ông đã thực hiện thí nghiệm đối với loài muỗi Anopheles gambiae bằng cách làm cho chúng bị nhiễm khuẩn với hai chủng Wolbachia khác nhau (wMelPop và wAlbB). Sau khi lây nhiễm, vi khuẩn Wolbachia nhanh chóng lây lan trong cơ thể con muỗi, làm cho các mô và cơ quan của nó bị nhiễm độc.
Vi khuẩn Wolbachia dường như đã vận động một cách tích cực để có thể dễ dàng tái tạo thêm nhiều vi khuẩn nữa trong hệ thống miễn dịch của loài muỗi. Cả hai chủng vi khuẩn Wolbachia đều có khả năng gây ức chế đáng kể mức độ ký sinh trùng sốt rét bên trong con muỗi. Trong đó, chủng wMelPop diệt muỗi trong vòng một ngày sau khi muỗi hút máu.
"Những thí nghiệm này cho thấy vi khuẩn Wolbachia có thể được sử dụng trong nhiều cách để kiểm soát bệnh sốt rét, có thể bằng cách ngăn chặn lây truyền hoặc bằng cách giết chết con muỗi bị nhiễm bệnh", ông Rasgon nói thêm.
Trên thế giới, bệnh sốt rét gây nguy hiểm cho hơn 225 triệu người. Mỗi năm, căn bệnh này giết chết gần 800.000 người, nhiều người trong số đó là trẻ em sống ở châu Phi.



Virus bệnh tay chân miệng biến đổi, nguy hiểm hơn

Kết quả xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhi mắc tay chân miệng đã tử vong cho thấy, có một subtype virus mới.

Sau mấy năm không có biến đổi, không có độc lực mạnh, năm nay, virus gây bệnh tay chân miệng (TCM) đã chuyển sang một subtype mới nguy hiểm hơn.
 
Ngay từ đầu mùa, các nhà chuyên môn đã lo ngại: chỉ có sự biến đổi mới của virus sang một dạng khác mới khiến bệnh tay chân miệng (TCM) gia tăng dữ dội trong những tuần qua ở TP.HCM, và gây diễn tiến bệnh nặng nhanh. Hôm qua, kết quả xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm lấy từ hai bệnh nhi mắc TCM bị tử vong ở TP.HCM (gửi sang xét nghiệm tại một labo ở Đài Loan) đã cho thấy có một subtype virus mới. Đó là subtype B2 thuộc Enterovirus 71.
 
 
Bệnh nhi 1 tuổi mắc TCM nổi bóng nước đầy hai chân - Ảnh: Thanh Tùng
 
Đầu năm 2003, một số bệnh viện ở TP.HCM tiếp nhận những trẻ mắc bệnh (sau này mới biết đó là bệnh TCM, gây ra bởi Enterovirus 71 - EV71) vào viện, rồi tử vong rất nhanh. Khi đó, các bác sĩ chỉ biết rằng các bệnh nhi tử vong có biểu hiện viêm não (về sau mới biết viêm não chỉ là một biến chứng của bệnh chính TCM).
 
Đầu năm 2004, BV Nhi đồng 1 (nơi tiếp nhận các ca bệnh này nhiều nhất) nghi ngờ nên lấy mẫu bệnh phẩm đưa sang Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, và kết quả xác định, những trẻ mắc bệnh với các biểu hiện nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, hay giật mình khi ngủ, bị biến chứng não, thần kinh... là do bệnh TCM, mà tác nhân gây bệnh chính là EV71.
Đến năm 2005, trong nước đã có những nghiên cứu và nắm rõ về dịch tễ của loại bệnh này. Kể từ đó, bệnh TCM có tính chất theo “mùa” diễn ra hằng năm, nhưng không nhiều lắm. Đến năm 2007, độc lực virus TCM lại mạnh lên, khiến trong năm này có rất nhiều trẻ mắc bệnh bị tử vong, riêng ở TP.HCM có đến 16 trường hợp.
Năm nay, đến thời điểm này cũng đã có đến 9 bệnh nhi tử vong. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1, TP.HCM), EV71 có rất nhiều subtype, nếu đúng là EV71 subtype B2 thì đây là một subtype mới, nguy cơ bệnh còn diễn tiến phức tạp hơn nữa, kể cả nguy cơ tử vong. Lâu nay, các subtype của EV71 trong nước thuộc các nhóm C (C1, C4, C5) mang tính “hiền” hơn.
Năm 2008, virus gây bệnh TCM tại Đài Loan cũng đã từng biến đổi từ subtype C4 sang B5, khiến diễn biến bệnh phức tạp hơn.
BV Nhi đồng 1 cũng đang tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm khác từ các bệnh nhi mắc TCM điều trị tại đây gửi sang Đài Loan kiểm tra nhằm phát hiện những subtype mới của EV71 để chủ động trong chẩn đoán, điều trị bệnh. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Trưởng khoa Xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới, TP.HCM) cho biết, những ngày qua, nơi đây cũng đang xét nghiệm tìm EV71.
Trước tình hình bệnh TCM diễn biến phức tạp, chiều 20.5, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM đã đến một số quận huyện để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Sở thành lập 6 đoàn, đến kiểm tra kế hoạch hành động cụ thể phòng chống bệnh; tình hình dịch bệnh, việc giám sát các ca bệnh... của từng quận, huyện.



Nhiều thai phụ phá thai vì mắc rubella

Thời điểm này, số thai phụ mắc rubella phải bỏ khoảng 50 ca/ngày. TS Trần Danh Cường, trưởng khoa sản 1 (BV Phụ sản Trung ương) cho biết.
 
Thai phụ đang được khám tại bệnh viện. Ảnh: L.Hà
 
Bệnh nhân tăng đột biến
 
Tại bệnh viện, chị N.T.T, 25 tuổi (Hưng Yên), có thai 22 tuần đang lo lắng cho số phận của đứa con trong bụng, đứa con đầu lòng của vợ chồng chị. Chị T nổi ban khi mang thai được 6 tuần. Lúc đầu nghĩ chỉ là những ban do thay đổi thời tiết, không ảnh hưởng tới thai. Đến khi thai được 22 tuần nhưng thai phát triển chậm. Các bác sĩ siêu âm phát hiện thai chậm phát triển, thiểu ối. Chị Thúy được tư vấn bỏ thai.
 
Nằm kế bên là bệnh nhân V.T.P, 38 tuổi (Phú Thọ), có thai 13 tuần nhưng đã chết lưu, đang làm thủ thuật ra thai. Nguyên nhân do mắc rubella nhưng không phát hiện sớm, dẫn đến hư thai.
 
Theo TS Trần Danh Cường, năm nay số lượng thai phụ mắc rubella tăng khá mạnh. Đặc biệt tháng 3, 4 và 5 số lượng tăng đột biến. Rubella là virus gây dịch có chu kỳ 4-5 năm/lần. Virus này tồn tại lâu trong cộng đồng, có người mắc nhưng không phát ra ngoài nên rất khó phát hiện.
 
Từ đầu năm đến nay có tới 4 ca mắc rubella khi thai đã quá to, gần tháng sinh. Chỉ riêng trung tâm chẩn đoán trước sinh có tới 80-120 ca mắc rubella/buổi tới tư vấn (một tháng có 4 buổi tư vấn). Với những trường hợp này, nguy cơ dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ rất cao. Các trường hợp thai dưới ba tháng hoặc chớm tròn ba tháng đều được tư vấn bỏ thai.
 
Các bác sĩ đều rất ái ngại khi gặp những bệnh nhân rubella đang mang bầu, nhất là những chị hiếm muộn, khó khăn lắm mới đậu thai được, thậm chí phải nhờ thụ tinh nhân tạo nhưng không may nhiễm rubella trong những tuần đầu của thai kỳ.
 
Hậu quả nếu thai phụ mắc rubella rất nguy hiểm. 90% truyền từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra dễ mắc rubella bẩm sinh, khó phát hiện bằng siêu âm trong quá trình mang thai. Một số bệnh trẻ dễ mắc như viêm võng mạc, tim bẩm sinh, chức năng thính giác kém, dị tật…
 
Nguy hiểm nhưng phòng được bệnh
 
Cũng theo TS Cường, với những thai phụ mang thai dưới 18 tuần, chưa tiêm phòng, chưa nhiễm rubella lần nào mà tiếp xúc với người đang mắc trong vòng 10 ngày đầu của thời kỳ phát bệnh rất dễ lây.
 
Nếu mắc bệnh khi mang thai dưới 12 tuần bắt buộc phải bỏ, trong vòng 12-18 tuần sẽ tư vấn cho các bà mẹ bỏ hay giữ theo tuổi thai và tần suất xuất hiện của bệnh. Còn nếu đã qua 18 tuần vẫn cần theo dõi tránh nhiễm trùng thai nhi.
 
Ông Nguyễn Nhật Cảm, trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết: bệnh nhân rubella đang xuất hiện rải rác ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Các tỉnh lân cận cũng khá đông bệnh nhân. Số ca nhập viện trải khắp các tỉnh, thành phố.
 
“Rubella chỉ nguy hiểm đối với thai phụ và nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là ba tháng để phòng bệnh. Rubella thường có ban mọc toàn thân, ít khi sốt cao, sau 5 - 7 ngày, ban bay đi không để lại vết thâm. Để phòng bệnh nếu không thật cần thiết thì không nên đến những nơi có nhiều người phát bệnh rubella. Người có bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và ra nơi công cộng”, TS Cường nói.
 


TP.HCM: Bệnh thủy đậu “tấn công” người lớn

BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã tiếp nhận hàng chục ca nhập viện điều trị, thời tiết nắng mưa bất thường đang tạo điều kiện thuận lợi cho thủy đậu phát triển. 

BS Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, trong 3 ngày qua khoa phải tiếp nhận hàng chục trường hợp đến khám, số người phải nằm viện điều trị giao động ở mức từ 12 đến 15 người. Nhiều trường hợp do tự điều trị không đúng cách hoặc nhập viện trễ khiến bệnh nhân gặp phải biến chứng nặng như nhiễm trùng, viêm màng não.

Bệnh nhân người lớn bị thủy đậu đang điều trị tại khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM 
 
Bệnh thủy đậu là loại bệnh do siêu vi gây nên, rất dễ lây nhiễm nhưng nhiều người còn chủ quan. Chị Lương Thu M. vợ của bệnh nhân Nguyễn Thanh V. (28 tuổi, quận 2, TP.HCM) cho biết, hôm trước anh V. về quê dưới Long An, thấy đứa cháu mắc bệnh thủy đậu nhưng anh vẫn đến thăm. Về nhà anh bắt đầu sốt nhẹ, nổi mụn nước, kèm theo ngứa, rát… Ba ngày sau anh V. bị mụn nước nổi khắp cơ thể nên được người nhà chuyển đến bệnh viện. 

BS Ngọc Vinh cho biết, nếu không được tiêm phòng thì mỗi người có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu ít nhất một lần trong đời (người đã từng mắc thủy đậu, cơ thể sẽ tự tạo ra kháng thể chống lại virus gây bệnh). Nhiều người lúc nhỏ không mắc bệnh, nhưng ở tuổi trưởng thành khi tiếp xúc với mầm bệnh (đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp) vẫn sẽ bị lây nhiễm. 
 
Bệnh thủy đậu thường gây ra các biến chứng nhiễm trùng vùng da bị tổn thương, trường hợp nặng có thể dẫn đến sưng phổi, viêm não. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh có nguy cơ mắc phải các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, động kinh, điếc… nguy hiểm hơn có thể tử vong. 
 
BS Ngọc Vinh khuyến cáo, khi mắc thủy đậu không nên kiêng tắm rửa vì nếu không được tắm rửa vệ sinh sạch sẽ vùng da tổn thương rất dễ bị nhiễm trùng, mặt khác sự tồn tại của các ổ vi trùng trên da khiến nguy cơ lây lan bệnh tăng cao. 
 
Khi bị mắc bệnh, bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng, luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Để hạn chế sự lây lan của thủy đậu ra cộng đồng, người bệnh cần được cách ly đồng thời chuyển đến bệnh viện điều trị, tránh những bến chứng có thể xảy ra.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons