Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Nhiều thai phụ phá thai vì mắc rubella

Thời điểm này, số thai phụ mắc rubella phải bỏ khoảng 50 ca/ngày. TS Trần Danh Cường, trưởng khoa sản 1 (BV Phụ sản Trung ương) cho biết.
 
Thai phụ đang được khám tại bệnh viện. Ảnh: L.Hà
 
Bệnh nhân tăng đột biến
 
Tại bệnh viện, chị N.T.T, 25 tuổi (Hưng Yên), có thai 22 tuần đang lo lắng cho số phận của đứa con trong bụng, đứa con đầu lòng của vợ chồng chị. Chị T nổi ban khi mang thai được 6 tuần. Lúc đầu nghĩ chỉ là những ban do thay đổi thời tiết, không ảnh hưởng tới thai. Đến khi thai được 22 tuần nhưng thai phát triển chậm. Các bác sĩ siêu âm phát hiện thai chậm phát triển, thiểu ối. Chị Thúy được tư vấn bỏ thai.
 
Nằm kế bên là bệnh nhân V.T.P, 38 tuổi (Phú Thọ), có thai 13 tuần nhưng đã chết lưu, đang làm thủ thuật ra thai. Nguyên nhân do mắc rubella nhưng không phát hiện sớm, dẫn đến hư thai.
 
Theo TS Trần Danh Cường, năm nay số lượng thai phụ mắc rubella tăng khá mạnh. Đặc biệt tháng 3, 4 và 5 số lượng tăng đột biến. Rubella là virus gây dịch có chu kỳ 4-5 năm/lần. Virus này tồn tại lâu trong cộng đồng, có người mắc nhưng không phát ra ngoài nên rất khó phát hiện.
 
Từ đầu năm đến nay có tới 4 ca mắc rubella khi thai đã quá to, gần tháng sinh. Chỉ riêng trung tâm chẩn đoán trước sinh có tới 80-120 ca mắc rubella/buổi tới tư vấn (một tháng có 4 buổi tư vấn). Với những trường hợp này, nguy cơ dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ rất cao. Các trường hợp thai dưới ba tháng hoặc chớm tròn ba tháng đều được tư vấn bỏ thai.
 
Các bác sĩ đều rất ái ngại khi gặp những bệnh nhân rubella đang mang bầu, nhất là những chị hiếm muộn, khó khăn lắm mới đậu thai được, thậm chí phải nhờ thụ tinh nhân tạo nhưng không may nhiễm rubella trong những tuần đầu của thai kỳ.
 
Hậu quả nếu thai phụ mắc rubella rất nguy hiểm. 90% truyền từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra dễ mắc rubella bẩm sinh, khó phát hiện bằng siêu âm trong quá trình mang thai. Một số bệnh trẻ dễ mắc như viêm võng mạc, tim bẩm sinh, chức năng thính giác kém, dị tật…
 
Nguy hiểm nhưng phòng được bệnh
 
Cũng theo TS Cường, với những thai phụ mang thai dưới 18 tuần, chưa tiêm phòng, chưa nhiễm rubella lần nào mà tiếp xúc với người đang mắc trong vòng 10 ngày đầu của thời kỳ phát bệnh rất dễ lây.
 
Nếu mắc bệnh khi mang thai dưới 12 tuần bắt buộc phải bỏ, trong vòng 12-18 tuần sẽ tư vấn cho các bà mẹ bỏ hay giữ theo tuổi thai và tần suất xuất hiện của bệnh. Còn nếu đã qua 18 tuần vẫn cần theo dõi tránh nhiễm trùng thai nhi.
 
Ông Nguyễn Nhật Cảm, trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết: bệnh nhân rubella đang xuất hiện rải rác ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Các tỉnh lân cận cũng khá đông bệnh nhân. Số ca nhập viện trải khắp các tỉnh, thành phố.
 
“Rubella chỉ nguy hiểm đối với thai phụ và nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là ba tháng để phòng bệnh. Rubella thường có ban mọc toàn thân, ít khi sốt cao, sau 5 - 7 ngày, ban bay đi không để lại vết thâm. Để phòng bệnh nếu không thật cần thiết thì không nên đến những nơi có nhiều người phát bệnh rubella. Người có bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và ra nơi công cộng”, TS Cường nói.
 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons