Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Bài thuốc điều trị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut Dengue gây ra, truyền từ người sang người qua muỗi đốt, rất dễ thành dịch.

Bệnh thường gặp từ tháng 4 - 11, diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm. Y học cổ truyền xếp sốt xuất huyết vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch. Nhiệt tà tác động vào doanh, vệ, khí, huyết.

Cây cối xay
Cây cối xay, một trong các vị thuốc điều trị sốt xuất huyết
Y học hiện đại chia sốt xuất huyết làm 4 thể:
Thể 1: người bệnh sốt 38 - 40oC, người nổi một số nốt đỏ.
Thể 2: như thể 1 kèm theo xuất huyết dưới da, một số nốt ở mặt, ngực, lưng, tay, chân, có thể đau đầu, đau người, nhức hố mắt…
Thể 3: người ớn lạnh, sốt liên tục 38 - 40oC, đau đầu, đau nhức hai hố mắt, đau mỏi cơ bắp, người mệt mỏi, nổi ban, xoa bóp thấy dễ chịu, mạch nhanh và yếu, huyết áp kẹt hoặc tụt, da lạnh tái, vật vã, chảy máu bất thường, ồ ạt, choáng.
Thể 4: như thể 3 kèm theo người bệnh sốt cao 40 - 42oC, run giật cơ, xuất huyết dưới da, toàn thân mẩn đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng vùng gan. Người bệnh có thể nôn ra máu, thân nhiệt giảm đột ngột, huyết áp không đo được, mạch không bắt được, choáng do mất máu và có thể tử vong.
Y học cổ truyền điều trị tốt bệnh sốt xuất huyết ở thể 1 và 2. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Thể 1: Dùng một trong các bài:
Bài 1: lá cúc tần 12g, cỏ nhọ nồi 10g (sao cháy), cây mã đề 10g, trắc bách diệp 20g (sao cháy đen), củ sắn dây 20g, rau má 10g, lá tre 10g, cỏ mần trầu 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, cách bữa ăn khoảng 1,5 giờ. Nếu không có củ sắn dây thay bằng lá dâu 12g, không có trắc bách diệp thay bằng lá sen sao đen 12g hoặc hoa kinh giới sao đen 12g.
Kim ngân hoa
Kim ngân hoa
Bài 2: Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sơn tra 10g, cúc hoa 10g, đường phèn 20 - 30g. Thái nhỏ dược liệu, hãm với nước sôi 20 - 30 phút. Gạn lấy nước, thêm đường uống thay nước trong ngày.
Thể 2: dùng một trong các bài:
Bài 1: cây cối xay 20g, rễ cỏ gianh 12g, sài đất 12g, kim ngân (lá, cành) 16g, hoa hòe 20g (sao cháy), bồ công anh 10g, cỏ nhọ nồi 20g (sao cháy). Dược liệu ở dạng khô. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, cách bữa ăn 1,5 giờ. Nếu người bệnh có ho gia củ rẻ quạt (xạ can) 10g, bách bộ 10g.
Cỏ nhọ nồi
Cỏ nhọ nồi
Bài 2: huyền sâm 20g, sừng trâu 12g, sinh địa 24g, trúc diệp tâm 12g, đan sâm 16g, mạch đông 12g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần cách bữa ăn 1,5 giờ.
Lưu ý: uống từ 3 - 5 thang thuốc, nếu thấy hết sốt và hết xuất huyết thì dừng.
Liều điều trị cho trẻ em:
- Từ 1 - 5 tuổi: bằng 1/3 liều người lớn.
- Từ 6 - 13 tuổi: bằng 1/2 liều người lớn.
- Từ 14 tuổi trở lên liều bằng người lớn.
- Nếu trẻ còn bú mẹ thì cho mẹ uống thuốc, pha thuốc vào sữa mẹ điều trị cho con.
    Bài 1: đẳng sâm 20g, hoài sơn 16g, bạch truật 12g, mạch môn 10g, sa sâm 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
    Bài 2: xương dê khoảng 500g, gạo tẻ 100g. Xương dê làm sạch, chặt khúc đem nấu cháo với gạo tẻ; khi được cháo thêm muối, gừng tươi, hành, gia vị. Ăn nóng khi đói, tốt cho người xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu, thiếu máu do thiếu dinh dưỡng.
    Trong thời gian mắc bệnh cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu như ăn cháo đường thêm vài hạt muối hoặc cháo thịt nạc thăn thêm vài củ hành tăm; tăng cường hoa quả như thanh long, nho, dưa hấu; uống nước mía đun sôi để nguội để bổ sung tân dịch và tăng hồng cầu, uống nước bột sắn dây…


    Sốt rét kháng thuốc và giải pháp

    Vừa qua, theo thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế phản ánh báo động về tình trạng sốt rét kháng thuốc.

    Tình trạng trên xảy ra tại một số địa phương như tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đăk Nông, Quảng Nam... với tỷ lệ khá cao gây khó khăn cho việc điều trị, để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét theo Quyết định số 3232/QĐ-BYT ngày 30/8/2013, trong đó có đề cập đến việc chống kháng.
    Thế nào gọi là sốt rét kháng thuốc
    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sốt rét kháng thuốc là khả năng ký sinh trùng sốt rét gây bệnh có thể sống sót và phát triển mặc dù bệnh nhân đã được điều trị và hấp thu một liều lượng thuốc bằng hoặc cao hơn liều dùng thông thường. 
    Kháng thuốc có thể là tương đối nếu tăng liều thuốc sử dụng trong giới hạn chịu đựng được của con người và có thể diệt được ký sinh trùng sốt rét. Kháng thuốc có thể là tuyệt đối nếu dùng liều thuốc vượt quá khả năng dung nạp của con người nhưng vẫn không diệt hết được ký sinh trùng sốt rét. 
    Với quy định nghiệm pháp thử nghiệm 28 ngày, việc phân loại được chia thành mức độ nhạy (S) và 3 mức độ kháng (RI, RII, RIII). Ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người có 4 chủng loại là Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale; sau này được bổ sung thêm chủng loại Plasmodium knowlesi là ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở khỉ nhưng có khả năng lây nhiễm sang người. 
    Khi nói đến sốt rét kháng thuốc, các nhà khoa học tại nước ta thường ám chỉ chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng lại với các thuốc điều trị thông thường đang sử dụng; chủng loại ký sinh trùng này chiếm tỷ lệ khá cao từ 70 - 90% trong cơ cấu ký sinh trùng gây bệnh. Đối với các chủng loại ký sinh trùng sốt rét khác, vấn đề kháng thuốc không đáng lo ngại vì những loại thuốc thông thường vẫn có đáp ứng tốt trong điều trị.
    Muỗi truyền bệnh sốt rét cho con người
    Muỗi truyền bệnh sốt rét cho con người
    Thuốc sốt rét chống kháng
    Theo thông tin báo động về tình trạng kháng thuốc xảy ra tại một số địa phương, ký sinh trùng sốt rét kháng chủ yếu với thuốc artemisinin hoặc artesunat đơn thuần và tỷ lệ kháng có xu hương tăng từ 16% lên đến 22%. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, nơi nào có tỷ lệ kháng thuốc trên 10% thì không nên dùng loại thuốc đó để điều trị vì không có hiệu quả. 
    Đứng trước thực trạng tình hình sốt rét kháng thuốc xảy ra tại một số tỉnh như Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam... và có khả năng lan rộng sang những địa phương khác; trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét đã ban hành năm 2003, Bộ Y tế quy định cho sử dụng thuốc artesunat đơn thuần để điều trị sốt rét nhưng hướng dẫn được ban hành năm 2009 đã hủy bỏ quy định này. 
    Theo đó, từ năm 2009, Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trên cả nước không được sử dụng thuốc artesunat đơn thuần để điều trị sốt rét mà phải dùng thuốc phối hợp. Thuốc phối hợp ở đây là thuốc có dẫn chất artemisinin, viết tắt tiếng Anh là ACT (artemisinin base combination therapy) như dihydroartemisinin phối hợp với piperaquin, tên biệt dược là arterakine hoặc CV artecan. 
    Và cũng kể từ năm 2009, sau khi quy định này ban hành, Bộ Y tế đã khuyến cáo các cơ sở dược phẩm không sản xuất, kinh doanh và lưu hành thuốc artesunat viên đơn thuần; còn thuốc artesunat tiêm đơn thuần vẫn được sản xuất để sử dụng đối phó xử trí tình huống ban đầu trong các trường hợp sốt rét nặng và ác tính.
    Trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành năm 2009 và sau đó hướng dẫn năm 2013 đã quy định việc điều trị đặc hiệu để khắc phục tình trạng sốt rét Plasmodium falciparrum kháng thuốc một cách cụ thể bằng cách sử dụng thuốc điều trị ưu tiên (first line) và thuốc điều trị thay thế (second line). 
    Vì vậy, khi đối diện bệnh nhân sốt rét do nhiễm Plasmodium falciparum có khả năng kháng thuốc, phải điều trị bằng thuốc ưu tiên phối hợp dihydroartemisinin-piperaquin (arterakine, CV artecan) 3 ngày kết hợp primaquin liều duy nhất cho tất cả các trường hợp dương tính để diệt thể giao bào chống lây lan.
    Trong quá trình theo dõi, nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong vòng 3 ngày đầu và còn ký sinh trùng sốt rét thì phải điều trị như sốt rét ác tính, nếu người bệnh xuất hiện lại ký sinh trùng sốt rét trong vòng 14 ngày sẽ điều trị bằng thuốc sốt rét thay thế. Thuốc điều trị thay thế gồm quinin dùng 7 ngày phối hợp với doxycyclin dùng 7 ngày; đối với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi, dùng quinin 7 ngày phối hợp với clindamycin dùng 7 ngày.
    Để chuẩn bị đối phó với khả năng sốt rét kháng thuốc tiếp tục với các thuốc trên; hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành năm 2013 đã đề xuất sử dụng một số phác đồ phối hợp khác theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới như phác đồ artesunat phối hợp mefloquin, artemether phối hợp lumefantrin, artesunat phối hợp amodiaquin.
    Như vậy, các đơn vị dược phẩm nên sản xuất thuốc đã được phối hợp sẵn để tiện dụng, không nên sản xuất artesunat viên đơn thuần vì nếu dùng không phối hợp sẽ làm tăng thêm tỷ lệ kháng thuốc.
    Mặc dù hiện nay có thông tin báo động về tình trạng sốt rét kháng thuốc nhưng thực tế đã có biện pháp khắc phục một cách cụ thể. Để hạn chế tình trạng sốt rét kháng thuốc có khả năng lan rộng, các cơ sở y tế phải tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét đã được Bộ Y tế ban hành.

    Phát hiện và ngăn chặn sớm dịch sốt xuất huyết

    Cần phát hiện sớm bệnh SXH để chữa trị, cách ly và tìm cách diệt môi giới truyền bệnh (muỗi, bọ gậy).




    Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột và hạ thân nhiệt cũng đột ngột kèm theo tụt huyết áp, do vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc hạ nhiệt. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sốt trong bệnh SXH rất dễ nhầm lẫn với sốt do bệnh tay chân miệng, thủy dậu, sởi. 
    Ngoài sốt cao đột ngột thì có thể có rét run, nhức đầu nhiều, đau nhức, mỏi toàn thân (cơ, khớp), vã mồ hôi, có khi buồn nôn hoặc nôn. Người bệnh trở nên mệt mỏi, chán ăn do nhiễm độc, do mất nước và chất điện giải do sốt hoặc nôn. Sau khi sốt hoặc thân nhiệt bắt đầu giảm là xuất hiện hội chứng xuất huyết. 
    Tuy vậy, các dấu hiệu xuất huyết có thể xảy ra ngay khi người bệnh đang sốt cao. Xuất huyết có nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ở da có dạng ban đỏ, chấm, mảng bầm tím hoặc mảng sung huyết. Để sơ bộ xác định có phải xuất huyết hay không thì có thể dùng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay làm căng vùng da sung huyết nếu thấy vẫn đỏ là xuất huyết, nếu thấy mất đi là không phải xuất huyết. 
    Trong những trường hợp nặng có thể đái ra máu, đi ngoài phân đen, ho ra máu hoặc rối loạn kinh nguyệt (phụ nữ), nặng nhất là xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, gây sốc. Sốc, thể hiện vật vã (hoặc li bì), đau bụng (có khi rất dữ dội) rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa kèm theo chân tay lạnh, đặc biệt là ở các đầu ngón tay, ngón chân. 
    Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu giảm, hematocrit tăng cao. Khi thấy bệnh bất thường, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để khám, đặc biệt quan tâm là trẻ nhỏ và người cao tuổi.
    Thả cá bảy màu để diệt bọ gậy, giúp phòng chống SXH.
    Thả cá bảy màu để diệt bọ gậy, giúp phòng chống SXH.
    Phòng ngừa bệnh SXH thế nào?
    Ngày 6/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc gửi các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay - chân - miệng. Để thực hiện tốt công điện của Thủ tướng, cần tuyên truyền rộng khắp cho toàn dân hiểu biết về tác hại của muỗi truyền bệnh SXH. 
    Cần thông báo rộng rãi đến tận các tổ dân phố, các hộ gia đình, các trường học... Nếu có điều kiện, cần phát tờ rơi cho mọi người, đặc biệt là các trường học, chợ, cơ quan, nơi đông người qua lại ... Bởi vì công tác tuyên truyền là quan trọng bậc nhất trong việc phòng chống bệnh SXH.
    Cần tập trung diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp từ dân gian đến các chất hóa học, đặc biệt ở các ổ, các vùng đang có SXH xảy ra. Đối với diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt để bắt và đuổi muỗi thì phun thuốc diệt muỗi là một biện pháp rất hữu hiệu. Để có hiệu quả cao về biện pháp phun thuốc diệt muỗi thì cần làm thế nào để mọi người dân trong từng gia đình và tổ dân phố, xóm, làng hưởng ứng, ủng hộ và cùng tham gia tích cực, quyết không để sót một hộ nào, vị trí nào không được phun thuốc.
    Ngoài ra, việc dùng các loại hương muỗi để xua và diệt muỗi cũng góp phần quan trọng để hạn chế đến mức tối đa muỗi đốt và hút máu truyền bệnh SXH. Cần nằm màn tuyệt đối cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm.
    Ở công sở, nên đi giày có bít tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân. Những gia đình có điều kiện nên làm lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ và cửa thông gió. Để tiêu diệt bọ gậy cần phải thau rửa chum, vại và các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt, đồng thời các vật dụng đó phải có nắp nậy để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu có dùng lọ cắm hoa thì cần thay nước hàng ngày. Có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt, khơi thông cống rãnh, ao, hồ, phát quang bụi rậm không cho muỗi cư trú...

    Phòng mắc lao ở người nhiễm HIV

    Có thể nói lao và HIV là hai bạn đồng hành. Hai bệnh này tương tác thành vòng xoắn bệnh lý dẫn đến hậu quả là cuộc đời của những bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV càng ngắn lại.

    Vì vậy, việc điều trị dự phòng lao cho người nhiễm HIV sẽ giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống.
    Đối với người nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm là điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng cơ hội xâm nhập, trong đó có bệnh lao. HIV tấn công phá huỷ lympho TCD4 (tế bào miễn dịch) dẫn đến cơ thể suy giảm sức chống lại sự phát triển của vi khuẩn lao làm cho bệnh lao phát triển rất nhanh, rút ngắn thời gian chuyển từ nhiễm lao sang bệnh.
    Có thể nói, HIV/AIDS đã tác động rất lớn đến tỷ lệ mắc bệnh lao và tỷ lệ chết do lao. Trong khi đó, cả hai bệnh lao và HIV đều có thể lây lan trong cộng đồng nếu như chúng ta thiếu hiểu biết, không biết cách tự bảo vệ mình.
    Phòng mắc lao ở người nhiễm HIV
    Khám tư vấn cho người đồng nhiễm lao - HIV.
    Phát hiện sớm mắc lao
    Theo hướng dẫn phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị dự phòng mắc lao bằng isoniazid (INH) ở người nhiễm HIV, đối với người lớn và trẻ vị thành niên phát hiện nghi ngờ mắc lao dựa vào 4 triệu chứng và dấu hiệu sau: hiện tại có ho, sốt, sút cân, ra mồ hôi ban đêm.
    Đối với trẻ em dựa vào 4 dấu hiệu: trọng lượng cơ hể hay cân nặng (không lên cân hoặc thiếu cân so với độ tuổi hoặc sụt cân từ trên 5% so với lần kiểm tra gần đây nhất hoặc không tăng cân), sốt, hiện tại có ho và có tiếp xúc với người bệnh lao.
    Nếu người nhiễm HIV có bất kỳ một trong các triệu chứng hoặc dấu hiệu trên (đối với người lớn và trẻ em) là những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lao. 
    Những trường hợp nghi ngờ này cần được chẩn đoán phân biệt với các nhiễm trùng cơ hội khác, hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa lao hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở điều trị lao để được chẩn đoán và điều trị. 
    Trường hợp người nhiễm HIV mắc lao, cần đăng ký điều trị bệnh lao theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao và điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng HIV (ARV) của Bộ Y tế ngay sau khi người bệnh dung nạp thuốc điều trị lao.
    Thuốc dự phòng mắc lao cho người nhiễm HIV.
    Thuốc dự phòng mắc lao cho người nhiễm HIV.
    Nếu người nhiễm HIV không mắc lao thực hiện điều trị dự phòng mắc lao bằng thuốc INH, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác (nếu có).
    Dự phòng bằng isoniazid (INH)
    Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ định điều trị dự phòng bệnh lao bằng INH cho những trường hợp sau:
    Người lớn và trẻ vị thành niên nhiễm HIV và loại trừ mắc lao tiến triển; không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch kể cả phụ nữ mang thai, người bệnh đang điều trị ARV và người bệnh đã từng được điều trị lao trước đây.
    Đối với trẻ em, trẻ trên 12 tháng tuổi nhiễm HIV: không có bằng chứng mắc lao tiến triển dựa vào sàng lọc lâm sàng và không tiếp xúc với người bệnh lao. Trẻ dưới 12 tháng tuổi nhiễm HIV: chỉ những trẻ có tiếp xúc với người bệnh lao và được loại trừ đang mắc lao tiến triển.
    Không được dùng INH để dự phòng lao cho người bệnh có tiền sử dị ứng với INH (người bệnh đã từng bị sốt, phát ban hoặc viêm gan do điều trị bằng INH trước đây).
    Đối với những trường hợp viêm gan tiến triển, xơ gan, nghiện rượu nặng (người bệnh có các triệu chứng lâm sàng của viêm gan như mệt mỏi, biếng ăn, nước tiểu sẫm màu, đau bụng, nôn, buồn nôn, vàng da... và/ hoặc có tăng men gan như ALT lớn hơn 5 lần chỉ số bình thường thì trì hoãn việc điều trị dự phòng lao bằng INH cho đến khi men gan trở về bình thường hoặc nhỏ hơn 5 lần giới hạn bình thường.
    Trong trường hợp người bệnh có rối loạn thần kinh ngoại biên (cảm giác kim châm, tê bì, yếu chi hoặc có cảm giác đau bỏng rát ở các chi), trì hoãn việc điều trị dự phòng INH cho đến khi người bệnh được điều trị ổn định.
    Cách dùng thuốc: uống 1 lần/ngày vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn, tốt nhất là uống lúc đói. Thời gian điều trị, đối với người lớn là 9 tháng, trẻ em là 6 tháng.
    Các tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc này như viêm dây thần kinh ngoại biên (khắc phục bổ sung vitamin B6 lên 100mg/ngày. 
    Ngừng INH nếu các triệu chứng của viêm dây thần kinh ngoại biên không thuyên giảm hoặc nặng hơn), có thể bị rối loạn chức năng gan, biểu hiện vàng da, tăng men gan (cần phân biệt với tăng men gan do các nguyên nhân khác), người bệnh có thể bị nổi mẩn, buồn nôn, nôn, vàng da thì dừng uống thuốc tạm thời đến khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc ổn định thì điều trị tiếp tục.
    Người bệnh và người chăm sóc cần được tư vấn về những tác dụng không mong muốn này và theo dõi các tác dụng phụ trong tất cả các lần tái khám.
    Đối với những trường hợp được điều trị đồng thời INH với thuốc kháng HIV nevirapine (NVP) cần theo dõi chặt chẽ về sự tăng nguy cơ viêm dây thần kinh ngoại vi và ngộ độc gan. Cần ngừng thuốc khi xuất hiện các triệu chứng ở mức độ nặng.

    Cách tự phát hiện HPV ở nam giới hiệu quả

    Không chỉ gây bệnh ung thư nguy hiểm, HPV còn là nguyên nhân gây mụn cóc ở bàn tay, bàn chân và sùi mào gà ở vùng hậu môn, sinh dục.

    Chip điện tử phát hiện HIV, ung thư

    Các nhà khoa học thuộc Đại học Southampton đang phát triển chip điện tử mang tính đột phá có khả năng phát hiện bệnh HIV, ung thư và một số bệnh nguy hiểm khác chỉ trong vài phút.

    Chip sinh học điện tử nano giúp phát hiện bệnh chỉ trong vài phút

    Phương pháp này hoạt động nhờ vào một con chip điện tử nhỏ cắm vào điện thoại iphone giúp người bệnh cắt giảm chi phí và không phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi khi xét nghiệm tại bệnh viện.
    Hiện nay các phương pháp xét nghiệm virut thường dựa vào kháng thể phản ứng với virut, tuy nhiên kết quả của thiết bị sẽ dựa trên những cảm biến hóa học do phản ứng giữa các protein và kháng thể định danh "có" hoặc "không" đối với một loại virus được xác định.
    Công nghệ mới này chỉ cần lấy ít hơn 1 microlitre máu của bệnh nhân để cho ra kết quả. Các nhà khoa học sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở Khoa Miễn dịch lâm sàng tại Trường cao đẳng Chăm sóc sức khỏe ở Anh với chi phí dự kiến khoảng 1 triệu bảng cho dự án này.
    Theo TS Themis Prodromakis, thuộc Đại học Southampton, đây là một kỹ thuật linh hoạt có thể được sử dụng để thử nghiệm nhiều bệnh khác nhau như HIV, bệnh lao hoặc các loại ung thư trong mọi môi trường. Với giá thành rẻ, chi phí cho chip điện tử chỉ khoảng £50, rẻ hơn 10 lần so với phương pháp xét nghiệm thông thường theo dõi phản ứng của protein.


     
    Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons