Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Nhiễm ấu trùng giun đũa chó có thể tử vong

Người lớn, trẻ em vô tình bị nhiễm Toxocara canis qua thức ăn, nước uống bẩn, tay bẩn sau khi nựng nịu, chăm sóc chó...

Nhiều người bệnh rất bất ngờ khi bị ngứa ngoài da, nổi mày đay kéo dài, mệt mỏi ăn ngủ kém, đau đầu kinh niên... khi đi khám phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó Toxocara canis.
Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi nhiễm ở mắt, gan, tim, phổi... có thể gây tử vong
Toxocara canis là loài giun đũa ký sinh ở chó chứ không phải ở người. Người lớn, trẻ em vô tình bị nhiễm Toxocara canis qua thức ăn, nước uống bẩn, tay bẩn sau khi nựng nịu, chăm sóc chó... Sau khi ta nuốt phải, ấu trùng giun xuyên qua thành ruột vào máu lưu hành đến gan, tim, phổi, não, bắp cơ...
Sự tồn tại của ấu trùng và những chất tiết của chúng gây tổn thương thành mạch, mô mềm, hoại tử và xuất huyết, buộc cơ thể người đáp ứng lại bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch học và những phản ứng bệnh lý.
 
Ấu trùng giun không phát triển được trong cơ thể người, sau nhiều tuần, nhiều tháng chúng sẽ chết và bị vôi hóa, hình thành nên khối u hạt ở những nơi chúng "định cư".
 
Khi phát hiện bị bệnh giun chó, cần điều trị bằng thuốc đặc trị như thiabendazole hoặc albendaxol
Bệnh Toxocara canis ở người rất khó chẩn đoán vì triệu chứng đa dạng, thông thường là mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay ngứa, nổi mày đay từng lúc... Đặc biệt, tùy từng vị trí di chuyển, Toxocara canis lại gây các biểu hiện khác nhau và được chia thành  ba thể bệnh:
Toxocara nội tạng: Thường gặp ở trẻ em. Triệu chứng hay gặp là ho, khò khè, sốt kéo dài, thiếu máu, gan to... xét ngiệm máu thấy bạch cầu ưa axit tăng cao, bệnh nhân có thể lên cơn hen suyễn hoặc viêm phổi, tràn dịch màng phổi và gây suy hô hấp.
Toxocara ở mắt: Ấu trùng di chuyển vào mắt, thường ở một bên, hiếm khi hai bên. Người bệnh bị giảm thị lực, đau mắt, lé mắt kéo dài nhiều tuần, thường gặp nhất là u hạt võng mạc, dễ nhầm với ung thư. Những biểu hiện thường gặp khác là viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị, có mủ trong tiền phòng.
Toxocara không điển hình: Người bệnh có những triệu chứng không đặc trưng như hai nhóm trên mà chỉ là ăn ngủ không được, sốt, đau bụng, ho, hạch sau cổ...
 
Chẩn đoán bệnh rất khó khăn nếu bác sĩ không nghĩ đến bệnh này. Xét nghiệm máu làm huyết thanh chẩn đoán miễn dịch học bằng phản ứng ELISA, thông thường kết quả dương tính khi nồng độ kháng thể ở mức: 1/800 - 1/1600.
 
Khi phát hiện bị bệnh giun chó, chỉ cần điều trị bằng thuốc đặc trị như thiabendazole hoặc albendaxol...
 
Để phòng bệnh cần uống nước đun sôi, rửa kỹ rau, trái trước khi ăn. Những gia đình có nuôi chó, nhất là chó con dưới 6 tháng cần tẩy giun cho chó định kỳ, tắm chó thường xuyên để trứng giun không bám vào lông chó, rửa tay sạch trước khi chăm sóc chó.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons