Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Làm gì trước dịch sốt xuất huyết đang hoành hành?



TỪ ĐẦU NĂM 2015, CẢ NƯỚC GHI NHẬN CÓ TRÊN 11.000 NGƯỜI MẮC SỐT XUẤT HUYẾT, TRONG ĐÓ NHIỀU NGƯỜI ĐÃ TỬ VONG. MÙA MƯA ĐANG HIỆN HỮU, TÌNH TRẠNG DỊCH BỆNH NÀY CÀNG CÓ NGUY CƠ BÙNG PHÁT CAO.




Dịch sốt xuất hiết ra tăng theo mùa
Thống kê 5 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 11.389 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tại khu vực miền Nam số ca mắc tăng hơn 35%. Theo số liệu này cho thấy, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2014.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vào mùa mưa, nguy cơ dịch ở khu vực phía Nam có khả năng sẽ bùng phát mạnh. Việt Nam lưu hành cả 4 type virus sốt xuất huyết gồm D1, D2, D3 và D4 nên người dân mắc sốt xuất huyết D1 vẫn có thể mắc các type còn lại trong cùng một năm mà không có miễn dịch. Không những thế, những lần mắc bệnh sau sẽ nặng hơn lần trước.
Trước đây, dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện theo mùa gia tăng ở khu vực phía Nam từ tháng 6 (thời điểm vào mùa mưa) và ở phía Bắc từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, gần đây, do những thay đổi về thời tiết và môi trường nên bệnh xuất hiện quanh năm, không chỉ tại những vùng vốn lưu hành nguồn bệnh mà ngay tại các đô thị có mầm bệnh rình rập.
Các chuyên gia y tế lưu ý hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên tất cả mọi người đều có thể mắc sốt xuất huyết, nhất là trẻ em. Việc phòng ngừa chủ yếu là từ ý thức của người dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đối tượng có thể mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em, tuy nhiên ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn. 
Nguyên nhân của các ca tử vong ở người lớn đều do chủ quan và nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em rất khác nhau. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn; xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch).
Làm gì trước dịch sốt xuất huyết đang hoành hành?
Bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành. Ảnh minh họa
Trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát, GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. 
Các cơ sở y tế, bệnh viện sẵn sàng cấp cứu và điều trị người bệnh, nhất là thực hiện chuyển tuyến kịp thời để tránh tình trạng người bệnh không được chẩn đoán và phân loại một cách chính xác...
Phòng bệnh hiệu quả
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn màu đen, trên thân và chân có những khoanh trắng nên thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn… Muỗi vằn thường đốt người vào ban ngày sau đó đậu, núp vào chỗ tối. Chúng đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum vại, lu, giếng, lốp xe, vỏ dừa, bình hoa…
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe. 
Nếu đến muộn có thể dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tay tê liệt, hôn mê dẫn đến tử vong cao, đặc biệt là trẻ em.
Làm gì trước dịch sốt xuất huyết đang hoành hành?
Làm gì trước dịch sốt xuất huyết đang hoành hành?
Bệnh thường có các dấu hiệu: Ở thể nhẹ, sốt cao đột ngột trên 38o C, kéo dài trong 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi; thể nặng bao gồm các dấu hiệu trên và kèm theođấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen; đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng…
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khi nghi ngờ mắc bệnh, đưa ngay người bệnh đi khám. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: Nghỉ ngơi tại nhà; cho uống nhiều nước, uống dung dịch Oresol, nước trái cây; ăn nhẹ cháo, súp hoặc sữa; hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao.
Theo dõi bệnh nhân nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng ( sốt li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều ) cần đưa ngay đến bệnh viện.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng đề nghị thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng: Đậy kín các chum, lu, khạp…chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng; thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy; cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước ( lu, chum, bể..) 1 tuần 1 lần; bỏ muối vào chén nước kê chân chạn, giường, tủ, cho cát ẩm vào lọ hoa; thu gom đồ phế thải quanh nhà như chai lọ vỡ, vỏ dừa, lốp xe… Lật úp các vật thải có chứa nước.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons