Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Xét nghiệm cho mẹ, hy vọng cho con


Thiếu kiến thức về dự phòng lây nhiễm cho con nên phần lớn việc phát hiện muộn đã làm giảm khả năng can thiệp bằng điều trị để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Tích cực hỗ trợ sản phụ nhiễm HIV

Tại BV Phụ sản TƯ, hầu hết các thai phụ khi đến khám và theo dõi thai tại bệnh viện đều được tư vấn xét nghiệm HIV để phòng tránh nguy cơ lây truyền sang con. Ngay tại bệnh viện đều có các bảng hướng dẫn đầy đủ để các bác sĩ trực đều có thể thực hiện được.


Nếu bà mẹ phát hiện sớm, sẽ được các bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị cho mẹ bắt đầu từ tuần thứ 28. Đến lúc sinh, cũng sẽ được chỉ định thêm thuốc để phòng tránh. Tùy thuộc vào thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn mấy của thai kỳ mà có các chỉ định dự phòng khác.

Bà Nguyễn Thị Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng - chống HIV/AIDS tỉnh Hòa Bình cho biết: Tính đến tháng 5/2012, tỉnh đã phát hiện 1.870 người nhiễm HIV (trong đó có 1.332 người chuyển giai đoạn AIDS, 741 người tử vong do AIDS).

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã tổ chức xét nghiệm cho 9.500 bà mẹ, trong đó có 17 bà mẹ mang thai xét nghiệm dương tính với HIV. Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh đã tổ chức các đợt truyền thông lưu động tại các xã, phường, thôn bản và cụm dân cư về phòng - chống HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng.
Thai phụ khi đến các cơ sở như: Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Chi cục DS-KHHGĐ, BV Sản - Nhi, đều được tư vấn xét nghiệm các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, trong đó có HIV. Trường hợp dương tính HIV đều được theo dõi, quản lý chặt chẽ cho đến khi thai phụ sinh con.

Để con không nhiễm HIV





Nếu như không có sự can thiệp nào thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể lên tới 35- 40%, nhưng nếu người mẹ được dự phòng kịp thời và đầy đủ thì sẽ giảm nguy cơ xuống dưới 5%. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đem lại hiệu quả rất lớn. Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2010 tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,26%. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai thì với tỷ lệ này sẽ có khoảng 5.200 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trung bình 35% thì mỗi năm có 1.820 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Nếu người mẹ được can thiệp lúc chuyển dạ bằng cách cho uống NVP liều đơn thì chỉ có khoảng 615 trẻ bị nhiễm HIV (khoảng 11,8%).
BS Cao Thị Kim Thoa - Phó Trưởng phòng điều trị và chăm sóc – Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)

Ths.BS Đỗ Thị Nhàn – Trưởng phòng điều trị và chăm sóc (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) - cho biết: Người mẹ xét nghiệm sớm trong khi mang thai là biện pháp tốt nhất để tầm soát lây truyền sang cho con. Việc phát hiện sớm có rất nhiều ý nghĩa không những cho người mẹ và em bé.

Người mẹ biết mình bị nhiễm HIV, bên cạnh việc được chăm sóc thai nghén như bao bà mẹ khác thì còn được chăm sóc và điều trị thích hợp về HIV/AIDS. Ngay những tuần đầu của thai kỳ, người mẹ sẽ được tư vấn nhiều hơn về vấn đề dinh dưỡng, xét tiêu chuẩn điều trị ARV từ tuần thai thứ 14…

Ngoài ra nếu không đủ điều kiện để điều trị ARV, người mẹ sẽ được uống thuốc dự phòng lây truyền cho con từ tuần thai thứ 28. Như vậy sẽ rất hiệu quả trong việc giảm tối thiểu lượng virus trong mẹ và hạn chế tình trạng lây truyền sang con; em bé sẽ được chăm sóc và điều trị kịp thời giúp cho sức khỏe được cải thiện và tránh mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Theo BS Cao Thị Kim Thoa – Phó Trưởng phòng điều trị và chăm sóc (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), nếu người mẹ được dùng AZT từ tuần thai thứ 14 phối hợp với NVP lúc chuyển dạ và không cho trẻ bú mẹ thì chỉ có khoảng 260 trẻ bị nhiễm HIV (khoảng dưới 5%).

Trường hợp dùng phác đồ 3 thuốc ARV từ tuần thai thứ 14, áp dụng các biện pháp can thiệp sản khoa an toàn và trẻ không bú sữa mẹ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 2%, nghĩa là chỉ còn 104 trẻ bị nhiễm HIV. Như vậy, sẽ cứu được 1.716 trẻ không bị nhiễm HIV.


Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được xác định sớm tình trạng nhiễm HIV để được điều trị hoặc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con kịp thời.

Ngoài việc phát hiện sớm và điều trị can thiệp trong khi mang thai, người mẹ nhiễm HIV cũng được hỗ trợ can thiệp trong khi sinh và sau khi sinh. Theo BS. Phạm Thị Thanh Mai – Nguyên trưởng Khoa Sơ sinh (BV Phụ sản T.Ư) sau khi sinh, bà mẹ nhiễm HIV cần tuân thủ chặt chẽ việc cho con bú để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV sang con trong giai đoạn này.
BS Mai cho biết: Thứ nhất, trong trường hợp bà mẹ không đủ điều kiện nuôi con bằng sữa công thức hoặc vẫn muốn nuôi con bằng sữa mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Tránh tình trạng vừa nuôi con bằng sữa mẹ vừa cho uống sữa ngoài vì như vậy sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là cao nhất.

Thứ hai trong quá trình nuôi, nên chú ý tránh tình trạng trẻ bị tưa miệng vì khi đó trẻ rất dễ bị phơi nhiễm.

Thứ ba, bà mẹ phải giữ gìn đầu vú sạch, tránh không bị nứt, tức là trong trường hợp bị áp xe vú, hay vú sưng nóng, đỏ đau… phải ngừng cho bú và chuyển sang ăn sữa ngoài hoàn toàn. Sau một thời gian chữa lành vết thương, không nên cho trẻ bú mẹ lại vì như vậy trẻ sẽ dễ nhiễm HIV hơn, tốt nhất cai sữa sớm cho trẻ...



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons